Những điểm mới về cấp giấy phép cho lao động nước ngoài

(2024-01-11 10:51:00)

Trước đó, ngày 18/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Trưởng phòng Quản lý lao động nước ngoài của Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phùng Quốc Vương cho biết, Nghị định 70 đã bổ sung nhiều điểm mới, thay đổi so với Nghị định 152 như, nới yêu cầu đối với chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Theo đó, chuyên gia chỉ cần tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương, và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được quy định với phạm vi rộng hơn. Lao động kỹ thuật nước ngoài chỉ cần được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Thời hạn báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cũng được rút ngắn còn ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài (quy định cũ 30 ngày).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là các cơ quan có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận, hoặc không chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người sử dụng lao động đã báo cáo.

Kể từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm…

Để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng quy định tại Nghị định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp phép cho người lao động nước ngoài, gồm: Báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; cấp giấy phép lao động các trường hợp đặc biệt; gia hạn giấy phép lao động; cấp lại giấy phép lao động; thu hồi giấy phép lao động…

Trong đó, đối với thủ tục cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài, hồ sơ gồm có: Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động; giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe; phiếu lý lịch tư pháp, hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt, hoặc chưa được xóa án tích, hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp (có thời hạn không quá 6 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ).

Các văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và một số công việc; 2 ảnh màu, ảnh chụp không quá 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; bản sao có chứng thực hộ chiếu, hoặc bản sao hộ chiếu có xác nhận của người sử dụng lao động; các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài.

Doanh nghiệp, tổ chức tạo lập và nộp hồ sơ tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC: https://dvc.vieclamvietnam.gov.vn/, hoặc tại bộ phận 1 cửa của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Giấy phép lao động nộp cấp mới phí là 400.000 đồng/giấy phép.

Về điều kiện để được cấp lại giấy phép lao động là giấy phép còn thời hạn thuộc một trong các trường hợp: Giấy phép lao động còn thời hạn bị mất; giấy phép lao động còn thời hạn bị hỏng; thay đổi một trong các nội dung sau: họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc, đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn. Phí cấp lại là 300.000 đồng/giấy phép cấp mới.

Các trường hợp người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động nộp lại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gồm: Giấy phép lao động hết thời hạn; chấm dứt hợp đồng lao động; nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp; làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.

Các trường hợp nữa là hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt; có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam, hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động; giấy phép lao động bị thu hồi.

Trong 15 ngày kể từ ngày giấy phép lao động hết hiệu lực, người sử dụng lao động thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài để nộp lại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó, kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi, trường hợp thuộc diện thu hồi nhưng không thu hồi được.

Theo VNECONOMY.VN

Quý khách cần tư vấn cấp giấy phép cho người lao động người nước ngoài hãy liên hẹ New Global chúng tôi ngay nhé!



goto top